Nguồn ảnh: ST4SD

Thấy gì từ lớp tập huấn du lịch bền vững của ST4SD tại Hà Giang (tỉnh Tuyên Quang)?

05/07/2025

Lớp tập huấn về du lịch bền vững diễn ra từ ngày 2 đến 4 tháng 7 năm 2025 tại phường Hà Giang 1, tỉnh Tuyên Quang đã mang đến cho học viên một hành trình học tập toàn diện, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế. Với sự tham gia của cán bộ từ trung ương đến địa phương, cùng đại diện các cộng đồng làm du lịch, lớp học đã tạo ra một diễn đàn chia sẻ kiến thức và định hình lại cách tiếp cận phát triển du lịch tại cơ sở.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu và ông Olivier Messmer - Chuyên  gia trưởng Dự án ST4SD trao chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn về du lịch bền vững
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu và ông Olivier Messmer – Chuyên gia trưởng Dự án ST4SD trao chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn về du lịch bền vững

Nội dung đào tạo thiết thực và chuyên sâu

Dưới sự hướng dẫn của TS. Đỗ Trần Phương, Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chương trình tập huấn được thiết kế bài bản với mục tiêu không chỉ cung cấp nền tảng lý thuyết mà còn giúp học viên ứng dụng hiệu quả vào thực tế địa phương. Chương trình tập trung vào 4 nhóm kiến thức chính:

  1. Kiến thức nền tảng về du lịch bền vững và phát triển du lịch bền vững
    Học viên được tiếp cận các khái niệm cốt lõi như phát triển bền vững theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, mô hình “3 trụ cột” (Kinh tế – Xã hội – Môi trường), mô hình VICE (Du khách – Ngành – Cộng đồng – Môi trường). Đây là nền tảng để hiểu rõ vai trò của du lịch trong phát triển toàn diện và lâu dài.
  2. Du lịch cộng đồng bền vững – ưu tiên chiến lược đối với Hà Giang hiện nay
    Với đặc điểm là tỉnh miền núi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, du lịch cộng đồng được xác định là hướng phát triển quan trọng của Hà Giang. Lớp học đi sâu vào các yếu tố cốt lõi giúp DLCĐ phát triển bền vững: cộng đồng làm chủ, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, chia sẻ lợi ích công bằng. Học viên cũng cùng nhau phân tích 5 “sẵn”, 5 “thiếu”5 “mâu thuẫn” thường gặp trong quá trình phát triển DLCĐ.
  3. Kinh nghiệm và mô hình quốc tế, đặc biệt là Thụy Sĩ, trong phát triển du lịch bền vững
    Qua các ví dụ thực tiễn từ Thụy Sĩ và các nước khác, học viên được tìm hiểu về cách quản lý điểm đến, chứng nhận du lịch xanh, phát triển năng lực cộng đồng và định vị sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Những bài học này giúp học viên so sánh, đánh giá và lựa chọn giải pháp phù hợp cho Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng.
  4. Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững tại Hà Giang và Việt Nam
    Nội dung này giúp học viên hiểu rõ vai trò của chính quyền trong việc xây dựng chính sách, điều phối các bên liên quan, giám sát tác động môi trường – xã hội và hỗ trợ cộng đồng thông qua cơ chế, hạ tầng và đào tạo. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong triển khai du lịch bền vững.

Khảo sát thực tế tại các mô hình tiêu biểu

Phần thực địa là điểm nhấn quan trọng trong chương trình, mang đến cơ hội quan sát và học hỏi từ thực tế. Đoàn học viên đã đến thăm:

  • Hmong Village Resort (huyện Quản Bạ cũ): Một điểm đến được chứng nhận du lịch xanh ASEAN, nổi bật với quy hoạch cảnh quan thân thiện và dịch vụ lưu trú gắn với bản sắc Mông.
  • Làng Nặm Đăm (huyện Quản Bạ cũ): Mô hình DLCĐ do cộng đồng người Dao trực tiếp quản lý, điển hình trong việc bảo tồn văn hóa và vận hành dịch vụ có trách nhiệm.
  • Làng Tha và Hạ Thành (thành phố Hà Giang cũ): Những mô hình gắn du lịch sinh thái với sinh hoạt văn hóa thường nhật của người Tày.

Những điểm đến này đã cho học viên cái nhìn trực quan về việc tổ chức sản phẩm du lịch, chia sẻ lợi ích trong cộng đồng và cách tạo ra trải nghiệm hấp dẫn mà vẫn giữ vững giá trị bản địa.

Học tập, khảo sát thực tế tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ
Học tập, khảo sát thực tế tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ

Giá trị thiết thực mà học viên nhận được

Sau ba ngày học tập, hầu hết học viên đều khẳng định rằng khóa học đã mang lại nhiều thay đổi tích cực về tư duy và kỹ năng. Cụ thể:

  • Nhận thức sâu sắc hơn về phát triển du lịch bền vững và vai trò của từng bên liên quan.
  • Năng lực đánh giá và lập kế hoạch hành động tại địa phương được cải thiện rõ rệt.
  • Công cụ thực hành thiết kế sản phẩm, tiếp thị, kết nối du khách và quản lý vận hành được cung cấp bài bản.
  • Tự tin hơn trong việc tham mưu chính sách và triển khai chương trình tại cơ sở.

Một học viên nhận xét: “Khóa học giúp tôi thay đổi cách nhìn về du lịch. Đó không chỉ là ngành kinh tế, mà là con đường để bảo vệ văn hóa, thiên nhiên và tương lai của cộng đồng.”

Học tập, khảo sát thực tế tại thôn Tha, phường Hà Giang 1

Hướng đến hành động và phát triển lâu dài

Kết thúc khóa học, học viên đã hoàn thành bài kiểm tra cuối khóa và được cấp chứng nhận. Quan trọng hơn, nhiều người đã đề xuất các sáng kiến cụ thể tại địa phương mình như:

  • Xây dựng bộ quy tắc ứng xử du lịch cộng đồng.
  • Tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa cuối tuần do người dân thiết kế và điều hành.
  • Kết nối với các công ty lữ hành, tạo ra chuỗi giá trị hai chiều bền vững.

Các đề xuất này không chỉ thể hiện năng lực, mà còn cho thấy khát vọng đóng góp tích cực của cộng đồng vào định hình ngành du lịch mới – lấy con người làm trung tâm, lấy văn hóa làm cốt lõi.

Kỳ vọng lan tỏa mô hình đào tạo

Phản hồi chung từ học viên là mong muốn tiếp tục có thêm nhiều chương trình tập huấn chuyên sâu được triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Với đặc điểm tương đồng về địa hình, văn hóa và điều kiện kinh tế – xã hội, những mô hình đã và đang thành công tại Hà Giang hoàn toàn có thể được nhân rộng và thích ứng linh hoạt ở các địa phương khác như Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái…

Lớp tập huấn tại Hà Giang không chỉ dừng lại ở việc “dạy – học”, mà còn là khởi đầu cho những thay đổi tích cực từ bên trong cộng đồng – nơi người dân vừa là người gìn giữ giá trị, vừa là chủ thể phát triển du lịch một cách bền vững theo cách riêng của mình.