Nguồn ảnh: ST4SD

Tập huấn về du lịch xanh cho doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp tại ĐBSCL

08/11/2024

ĐỒNG THÁP – Đại diện các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, và tổ chức đổi mới sáng tạo đã tham gia chương trình tập huấn với chủ đề “Du lịch xanh” sáng 07/11/2024 trực tiếp tại hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp và trực tuyến trên Zoom.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Quang Biểu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ về một số mô hình xanh kết hợp nông nghiệp với du lịch, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản, văn hóa bản địa mà còn góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Ông bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp quan tâm đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau khi tham dự tập huấn sẽ nhận diện cơ hội, thách thức, định hướng giải pháp nhằm thúc đẩy các hướng phát triển kinh tế, mô hình kinh doanh mới gắn với kinh tế xanh.

Ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam, bày tỏ vui mừng tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong phát triển xanh và bền vững thông qua dự án ST4SD. Trong thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh Đồng Tháp thông qua hoạt động hỗ trợ triển khai các chính sách phát triển du lịch bền vững thông qua đối thoại và hợp tác công tư, hỗ trợ xây dựng và áp dụng các mô hình và quản lý điểm đến du lịch bền vững, hỗ trợ lựa chọn và triển khai các sáng kiến trong phát triển du lịch bền vững của tỉnh, và hỗ trợ nâng cao năng lực và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững.

Chúng tôi hi vọng sự đồng hành của chúng tôi thông qua dự án ST4SD sẽ góp một phần nhỏ bé trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của tỉnh Đồng Tháp, đưa Đồng Tháp trở thành một trong nhưng điểm đến du lịch hấp dẫn, bền vững và tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chung trong thời gian không xa,” ông Lương nói.

Ông Lê Quang Biểu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, phát biểu khai mạc tại sự kiện.

Chuyển đổi xanh trên thế giới và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt

Tại buổi tập huấn, TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu Kinh tế Tư nhân (Ban IV), đã thông tin chung về chính sách về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới và những cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, tại Hội nghị COP26, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải mêtan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; và cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Theo Báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, 10 tỉnh, thành tại Việt Nam có chỉ số xanh cao nhất: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, TPHCM, Tây Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nam, và Vĩnh Long. Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh: mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác. 

TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu Kinh tế Tư nhân (Ban IV), chia sẻ về chính sách về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam và trên thế giới.

Kết quả khảo sát của Ban IV về Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh năm 2024 cho thấy chỉ có 3,8% doanh nghiệp đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm và 64% chưa có sự chuẩn bị. Với phần lớn doanh nghiệp, khó khăn khi thực hiện giảm phát thải và chuyển đổi xanh là thiếu nguồn vốn và nhân sự có chuyên môn để thực hiện.

Theo TS. Minh, doanh nghiệp cần thực hiện một số bước đầu để đẩy mạnh phát triển xanh và bền vững như sau: tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về chuyển đổi xanh (như quy định về kiểm kê khí nhà kính); tăng cường hợp tác B2B với các tổ chức, đơn vị tư vấn về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ chuyển đổi; đào tạo, tham gia các chương trình nâng cao nhận thức về chính sách, pháp lý và diễn biến thực tiễn trong xu hướng chuyển đổi xanh; thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp (gồm chuyển đổi năng lượng, tối ưu hoá quy trình sản xuất, vận hành và tuần hoàn, tái chế).

Tôi hy vọng doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ các dự án giảm phát thải; đẩy mạnh mô hình du lịch xanh, sinh thái, sáng tạo. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp là điểm mạnh của ĐBSCL“, TS. Minh chia sẻ.

Xây dựng mô hình và lộ trình phát triển doanh nghiệp du lịch bền vững

Tại buổi tập huấn, chuyên gia du lịch Phan Yến Ly – Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam – nhấn mạnh du lịch bền vững không chỉ là một xu hướng mà còn là một hướng đi tất yếu của du lịch toàn cầu. Theo bà Ly, chính phủ Việt Nam có những chính sách hỗ trợ việc phát triển bền vững và một số doanh nghiệp du lịch và điểm đến tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Hội đồng Du lịch Bền vững toàn cầu (GSTC). Tuy nhiên, quá trình áp dụng vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏii sự nỗ lực từ cả doanh nghiệp, cộng đồng và chính phủ.

Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly – Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam – trao đổi về việc xây dựng mô hình và lộ trình phát triển doanh nghiệp du lịch bền vững, có trách nhiệm.

Bà Ly cho biết khi áp dụng tiêu chuẩn GSTC tại Việt Nam, cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về du lịch bền vững cho các bên liên quan; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp; tạo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng; và đào tạo nguồn nhân lực về du lịch bền vững. 

Các mô hình xanh phù hợp với ĐBSCL gồm du lịch sinh thái; du lịch khám phá, mạo hiểm; du lịch văn hóa; và du lịch cộng đồng. Bà Ly cũng đề xuất các chương trình và hoạt động cụ thể hướng đến du lịch bền vững, có trách nhiệm tại ĐBSCL như tiếp tục đẩy mạnh tour tuyến đến khu vực trọng điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, biển, và khu dự trữ sinh quyển; tập trung thiết kế các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP của địa phương; ủng hộ doanh nghiệp lữ hành triển khai các tour du lịch xanh với phương tiện xanh (xe điện, xe đạp, xuồng, ghe); hoạt động xanh gần gũi, bảo vệ thiên nhiên; hành trình xanh đến thăm các di sản thiên nhiên hay các điểm đến nông nghiệp, văn hóa lịch sử, làng nghề; lưu trú xanh (ở các khách sạn có các tiêu chí xanh); ẩm thực xanh (dùng nhiều rau củ quả và thực phẩm sạch); được phục vụ bởi các nhân viên du lịch xanh đủ kiến thức và trình độ lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, tài nguyên xanh và bảo tồn bản sắc văn hóa.

Đại diện doanh nghiệp du lịch chia sẻ góc nhìn về phát triển du lịch xanh và bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, cho biết cộng đồng doanh nghiệp hiện rất quan tâm đến các nội dung: khái quát các văn bản, pháp lý, chính sách ảnh hưởng đến họ; thông tin về các mô hình du lịch xanh đã thành công trong nước và quốc tế; các thức tiết kiệm năng lương, tối ưu nguồn nguyên liệu.

Trong phần thảo luận, đại diện các doanh nghiệp du lịch cùng các chuyên gia trao đổi về cơ hội, thách thức, và giải pháp nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh mới gắn với kinh tế xanh.

Chương trình tập huấn nằm trong chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ “Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 2024” (Mekong Startup Forum). Chương trình được tổ chức với sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Helvetas Việt Nam cùng Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED).