Ngày 9/7/2025 là cột mốc lịch sử đáng tự hào của ngành Du lịch Việt Nam, đánh dấu 65 năm không ngừng phát triển, vượt qua nhiều thách thức và từng bước khẳng định vị thế là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nhân dịp đặc biệt này, ngày 8/7, đoàn đại diện dự án ST4SD bao gồm ông Phạm Văn Lương – Giám đốc Quốc Gia Helvetas Việt Nam, ông Olivier Messer – trưởng Dự án cùng ông Vũ Nam – quản lý Hợp phần Thúc đẩy Hợp tác Công – tư, đã đến thăm và gửi lời chúc mừng trực tiếp đến Cục Du Lịch Quốc Gia Việt Nam. Chúng tôi xin trân trọng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và lời tri ân sâu sắc tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã và đang đóng góp cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam.
Trong thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ngành Du lịch Việt Nam được ghi nhận là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Từ 250 nghìn lượt khách quốc tế vào năm 1990, đến năm 2019, Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách, đóng góp hơn 9,2% GDP cả nước. Du lịch cũng đóng vai trò là cầu nối ngoại giao nhân dân, quảng bá hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện và hội nhập tới bạn bè quốc tế.
Năm 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của bức tranh kinh tế – xã hội, với 17,6 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch đạt 840 nghìn tỷ đồng. Ngành du lịch ghi dấu ấn mạnh mẽ trong xây dựng thể chế, chính sách, chuyển đổi số và quảng bá hình ảnh quốc gia. Nhiều giải thưởng quốc tế được trao cho Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Công tác quảng bá có bước đột phá với các hình thức sáng tạo như du lịch điện ảnh, du lịch nông nghiệp, du lịch đường sắt, đồng thời tăng cường hiện diện tại các hội chợ quốc tế và kênh truyền thông lớn như CNN. Ngành cũng tiên phong trong chuyển đổi số với hệ sinh thái du lịch thông minh và các nền tảng quản trị, kinh doanh đồng bộ, góp phần nâng cao trải nghiệm du khách. Đặc biệt, hợp tác song phương và đa phương được đẩy mạnh, khẳng định vai trò chủ động, hội nhập của du lịch Việt Nam trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phục hồi nhanh nhất trong Asean sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, ngành Du lịch cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự tăng trưởng nóng trong quá khứ bộc lộ nhiều hạn chế về quản trị điểm đến, áp lực lên tài nguyên môi trường, chưa bảo đảm lợi ích hài hòa cho cộng đồng, và đặc biệt là thiếu hụt nhân lực được đào tạo bài bản. Sau đại dịch COVID-19, yêu cầu tái định hình ngành theo hướng bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các chính sách hiện hành của Du lịch Việt Nam hiện nay đang hướng tới một ngành du lịch bền vững sau 65 năm phát triển của ngành.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì Sự Phát triển Bền vững (ST4SD) được thiết kế và triển khai với mục tiêu hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam phát triển một cách bền vững, chất lượng và có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Dự án do Tổng Cục Kinh Tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, được thực hiện bởi Helvetas và CRED, phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2024–2027.
Ba hợp phần chiến lược – nền tảng cho sự phát triển bền vững
ST4SD được triển khai với ba hợp phần chiến lược có tính liên kết cao:
- Thúc đẩy hợp tác công – tư:
ST4SD xây dựng các nền tảng đối thoại chính sách giữa các nhà hoạch định, khối doanh nghiệp và chuyên gia trong nước – quốc tế, nhằm hỗ trợ phát triển chiến lược và chính sách du lịch bền vững ở cả cấp quốc gia và địa phương. Diễn đàn đối thoại là nơi kết nối tầm nhìn chiến lược với thực tiễn vận hành, thúc đẩy đồng thuận và lan tỏa các thực hành tốt. - Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:
Với sự đồng hành của Trường Quản trị Kinh doanh Du lịch & Dịch vụ EHL (Thụy Sỹ), ST4SD triển khai chương trình đào tạo Swiss EHT – một chương trình quản trị du lịch và khách sạn chuẩn quốc tế. Đồng thời, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho các trường đào tạo trong nước, giúp cải thiện chất lượng đầu ra của nhân lực ngành và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế. - Phát triển sản phẩm và điểm đến bền vững:
Dự án khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, điểm đến xây dựng mô hình du lịch dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn xanh, mô hình cộng đồng, sản phẩm bản địa được tích hợp vào chiến lược phát triển điểm đến tại các địa phương thí điểm như Hà Giang (nay thuộc Tuyên Quang), Quảng Nam (nay thuộc thành phố Đà Nẵng) và Đồng Tháp.
Những đóng góp bước đầu đáng ghi nhận
Ngay trong năm đầu triển khai, ST4SD đã ghi dấu ấn bằng nhiều hoạt động cụ thể, mang lại giá trị thiết thực:
- Tổ chức thành công hai kỳ hội thảo Du lịch Xanh tại Quảng Nam (2024, 2025) – nơi quy tụ hơn 200 chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp để chia sẻ và lan tỏa các mô hình, chính sách về du lịch xanh, lấy Quảng Nam làm điểm tựa đổi mới.
- Phối hợp tổ chức tập huấn du lịch bền vững tại Hà Giang và cho cán bộ Cục Du lịch Quốc gia, giúp nâng cao năng lực, chuyển giao kiến thức quốc tế về phát triển du lịch vùng núi, địa bàn đặc thù.
- Khởi động các lớp đào tạo đầu tiên của chương trình Swiss EHT tại TP.HCM, mở ra cơ hội đào tạo chất lượng cao, góp phần xây dựng thế hệ nhà quản lý mới cho ngành du lịch Việt Nam.
- Hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và đổi mới sáng tạo tại 3 tỉnh thí điểm, tạo điều kiện cho các điểm đến phát triển gắn với bảo tồn văn hóa – môi trường và nâng cao sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Tầm nhìn dài hạn – Cam kết đồng hành vì du lịch Việt Nam
Dự án ST4SD không chỉ là một chương trình hỗ trợ kỹ thuật, mà còn là cam kết lâu dài của Chính phủ Thụy Sĩ và các đối tác quốc tế đối với tương lai du lịch Việt Nam. Với phương pháp tiếp cận đa chiều, lấy con người làm trung tâm và nhấn mạnh yếu tố bền vững – sáng tạo – bao trùm, ST4SD hướng tới tạo ra một “hệ sinh thái du lịch mới”, nơi mà chính sách, con người và doanh nghiệp cùng vận hành theo một tầm nhìn chung: phát triển chất lượng – có trách nhiệm – và hội nhập quốc tế.
Trong hành trình 65 năm qua, du lịch Việt Nam đã chứng minh tiềm năng to lớn và sức sống bền bỉ. ST4SD tin tưởng rằng, nếu được đầu tư đúng hướng, được dẫn dắt bởi các chính sách đổi mới, được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm thế giới – không chỉ về số lượng du khách, mà còn về chất lượng trải nghiệm, giá trị văn hóa và đóng góp phát triển bền vững.
Chúc ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục vững bước, đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong hành trình kế tiếp!
ST4SD sẽ luôn đồng hành, đóng góp và lan tỏa những giá trị du lịch bền vững tới mọi vùng đất Việt Nam.