HÀ GIANG – Vào ngày 30/10/2024 tại thành phố Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Hà Giang đã tổ chức “Diễn đàn Du lịch Xanh Hà Giang 2024” với chủ đề “Du lịch xanh hướng đến phát triển cộng đồng bền vững”.
Sự kiện được thực hiện với sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và hỗ trợ kỹ thuật từ tổ chức Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED).
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 120 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, điểm du lịch cộng đồng, chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch, tổ chức trong nước và quốc tế. Sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về du lịch bền vững và đẩy mạnh thực hành du lịch bền vững trong các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Hà Giang nói riêng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang – cho biết thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hành du lịch xanh và có thành quả bước đầu về xây dựng sản phẩm xanh, cơ sở lưu trú xanh, ẩm thực xanh, vận chuyển xanh, và mua sắm xanh.
“Việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết. Đây cũng là định hướng lâu dài cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Giang nói riêng trong điều kiện đầy biến động của môi trường. Hà Giang xác định phát triển du lịch xanh và bền vững là một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch,” ông Hải nhấn mạnh.
Mặc dù đã triển khai bước đầu các hoạt động về thực hành xanh, ông Hải thừa nhận du lịch Hà Giang còn nhiều thách thức và rất mong sẽ nhận được ý kiến của đại biểu tại diễn đàn để có giải pháp khắc phục những hạn chế nhằm phát huy tốt thế mạnh về tài nguyên du lịch và tổ chức hoạt động du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Tại diễn đàn, ông Phạm Văn Lương – Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam – khẳng định tổ chức Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED) sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ ngành du lịch Hà Giang trở nên bền vững hơn thông qua các hoạt động cụ thể như hỗ trợ kỹ thuật trong việc triển khai các chính sách về du lịch bền vững của tỉnh, hỗ trợ xây dựng các mô hình và quản lý điểm đến du lịch cộng đồng xanh và bền vững, hỗ trợ lựa chọn và triển khai các sáng kiến trong phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
“Chúng tôi hy vọng sự đồng hành của chúng tôi qua dự án ST4SD sẽ góp một phần nhỏ bé trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của tỉnh Hà Giang, đưa Hà Giang trở thành một trong những điểm đến du lịch xanh và tiêu biểu của Việt Nam và trong khu vực trong thời gian không xa,” ông Lương nhấn mạnh.

Du lịch bền vững trong phát triển du lịch cộng đồng
Trong phiên thảo luận đầu tiên, các đại biểu trong nước nhấn mạnh sự cần thiết để xây dựng và áp dụng các tiêu chí bền vững được quốc tế công nhận, có điều chỉnh đề phù hợp với tình hình thực tế tại Hà Giang. Bộ tiêu chí du lịch bền vững sẽ giúp Hà Giang tăng độ nhận diện, định vị và quảng bá thương hiệu du lịch bền vững.
TS. Phí Thị Linh Giang, giảng viên ĐH VinUni và chuyên gia tư vấn của dự án ST4SD, đã chia sẻ về du lịch xanh trong bối cảnh toàn cầu và bài học cho quản lý du lịch cộng đồng bền vững tại Hà Giang. Bà giới thiệu về bốn bộ tiêu chí của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC), được xây dựng dựa trên bốn trụ cột chính gồm quản lý bền vững, tác động kinh tế-xã hội, tác động môi trường, và tác động văn hóa nhằm đảm bảo tính bền vững trong du lịch.

Theo bà Giang, phát triển du lịch bền vững theo tiêu chí của GSTC giúp các điểm đến khẳng định thương hiệu bền vững, thu hút khách du lịch; thiết lập nền tảng cho sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, tổ chức phi chính phủ và khu vực tự nhân nhằm phát triển các yêu cầu và tiêu chuẩn về du lịch bền vững; và truyền cảm hứng cho các bên khác hành động vì mục tiêu bền vững, thúc đẩy ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của du lịch bền vững.
Theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 03/2024, hơn 90% người được hỏi muốn Hà Giang trở thành một điểm đến bền vững và xanh. “Các quy chuẩn về du lịch cộng đồng hiện tại đều rất yếu về mảng xây dựng kế hoạch, giám sát và đánh giá tiêu chí, chỉ số và mục tiêu về du lịch bền vững. Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, Hà Giang nên bắt đầu với cột trụ thứ nhất – quản lý bền vững – với các khung chính sách, kế hoạch, chiến lược rõ ràng, tiêu chí giám sát và đánh giá cụ thể cho ba cột trụ còn lại về kinh tế-xã hội, môi trường và văn hóa,” bà Giang nói.
Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, và La Chí, Thôn Khun (xã Bằng Lang, huyện Quang Bình) được quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 và bước đầu thu hút được nhiều khách du lịch đến tham gia, trải nghiệm. Ông Tăng Trung In, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Quang Bình, chia sẻ không gian thôn Khun hiện đảm bảo tiêu chí xanh, sạch nhưng cần tác động thêm để bà con hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Bà Lê Thị Châu Trinh, Phó Trưởng phòng Quản lý Du lịch – Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, thấy có sự tương đồng giữa Quảng Nam và Hà Giang về lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch xanh và bền vững. Bà Trinh đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam với sự tài trợ của Chính phủ Thụy Sỹ, những thuận lợi và khó khăn khi triển khai, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để triển khai Bộ tiêu chí và thực hành du lịch xanh.
“Khi bắt đầu triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp còn hoài nghi và chưa đón nhận vì họ thấy nhiều chi tiết và chưa biết đem lại hiệu quả như thế nào. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án, sự ủng hộ và đồng hành của chính quyền, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật. Sau một năm bắt đầu có kết quả khi 11 doanh nghiệp đã tiên phong áp dụng Bộ tiêu chí,” bà Trinh cho biết.
Doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam hào hứng tham gia nhận chứng nhận du lịch xanh của tỉnh và đồng thời hướng đến chứng nhận quốc tế như TourCert hay Travel Life. Với sự hỗ trợ của dự án, Quảng Nam đang điều chỉnh Bộ tiêu chí để đảm bảo tính thực tế, dễ thực hiện, và cập nhật thêm các tiêu chí quốc tế. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có chính sách để khuyến khích phát triển du lịch xanh và bền vững. Doanh nghiệp và cộng đồng tự triển khai và chưa được hưởng ưu đãi từ cơ chế chính sách. Tỉnh Quảng Nam đang cố gắng hoàn thiện dự thảo cơ chế khuyến khích để trình Hội đồng Nhân dân năm 2025.
“Chúng ta không thể làm du lịch xanh một mình mà cần đi cùng nhau. Có sự đồng hành của các tỉnh, chúng ta sẽ lan tỏa được giá trị của du lịch xanh và bền vững,” bà Trinh nói.

Từ góc độ của người làm du lịch, ông Kiên Lê, Tổng Giám đốc Khu du lịch Panhou Retreat, phân biệt khái niệm du lịch xanh, du lịch bền vững, và du lịch có trách nhiệm. Du lịch xanh là dựa vào thiên nhiên, giảm tác động môi trường. Du lịch bền vững là kết quả của du lịch xanh và du lịch cộng đồng. Còn du lịch có trách nhiệm là những hành động chúng ta làm tốt để duy trì du lịch xanh và phát triển bền vững. Panhou lựa chọn phát triển sản phẩm theo 3 chân kiềng: bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn văn hóa cộng đồng, và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng, đồng hành phát triển cùng địa phương.
“Với góc nhìn của nhà đầu tư, khi chúng ta bàn về du lịch xanh và bền vững, không nên quên bàn về đầu ra, tức là thị trường cho sản phẩm. Cần xem thị trường nào quan tâm đến du lịch bền vững,” ông Kiên nói. “Hà Giang đang quảng bá du lịch cực kỳ tốt và chỉ cần định hướng đúng với thị trường phù hợp với sản phẩm du lịch.”
Giải pháp và sáng kiến thúc đẩy du lịch xanh
Hà Giang có nhiều điểm mạnh về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch xanh và bền vững. Việc phát triển các mô hình du lịch xanh tại Hà Giang sẽ góp phần tác động tích cực đến môi trường, tăng cường ý thức của du khách và duy trì tính bền vững của điểm đến. Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi về tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch xanh và bền vững tại Hà Giang.
Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang, chia sẻ rằng những người làm du lịch Hà Giang, được sự định hướng của lãnh đạo tỉnh, đã khai thác lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, và con người để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính bền vững và đặt trưng của Hà Giang. Ông bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ chủ trương, chính sách cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời cùng nhau chung tay xây dựng hương ước, nội quay quản lý làng du lịch cộng đồng thực sự khoa học.
“Khi xây dựng, chúng ta cần giữ kiến trúc truyền thống của làng du lịch cộng đồng, không xây dựng quá nhiều làm mất không gian của làng. Chúng ta cũng cần duy trì nghề truyền thống của người dân như sản xuất nông nghiệp, dệt vải và cần quy hoạch kiến trúc chi tiết để tránh phố trong làng,” ông Tĩnh nói.

Theo ông Kenneth Wood, Trưởng nhóm Dự án ST4SD, phát triển du lịch xanh và bền vững cần có sự tham gia của các bên liên quan và cần có Bộ tiêu chí để đo lường kết quả đã đạt được. Ông cho biết dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Hà Giang xây dựng quy chế du lịch cộng đồng và phát triển sản phẩm du lịch bền vững tại các làng du lịch cộng đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bích, Quản lý Hợp phần Phát triển sản phẩm và Điểm đến bền vững của dự án ST4D, đã đưa ra đề xuất nhằm đẩy mạnh thực hành du lịch xanh tại thôn Khun và thôn Lùng Hẩu (xã Thái An, huyện Quản Bạ). Ông nêu rõ cần cần xây dựng tổ công tác, phân chia rõ vai trò cho từng bên, tập trung phát triển chuỗi giá trị, và đẩy mạnh công tác truyền thông. Dựa trên tài nguyên và tiềm năng của hai thôn, ông Bích gợi ý các sản phẩm du lịch khả thi như hoạt động thể chất mạo hiểm, tour xe đạp và xe điện khám phá văn hóa và nghề thủ công tại bản làng, trải nghiệm du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng.
Chia sẻ về kết quả của ngành du lịch Hà Giang theo Bộ chỉ số Phát triển Du lịch Việt Nam (VTDI) 2023, ông Trương Nam Thắng, chuyên gia độc lập, cho biết Hà Giang đang ở mức tương đối thấp so với 30 điểm đến khác. Hà Giang có một số trụ cốt yếu và cần nỗ lực cải thiện như: (1) nhân lực lao động nói chung và nhân lực du lịch nói riêng; (2) mức độ sẵn sàng về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; (3) thu nhập và chia sẻ dữ liệu thông tin; và (4) hạ tầng hàng không.
“Trong 111 chỉ số, nhiều chỉ số rất thấp không liên quan đến ngành du lịch Hà Giang mà đa số thuộc trách nhiệm của các sở ban ngành khác. Vì vậy, để tìm ra hướng cải thiện điểm đến Hà Giang, tốt nhất UBND tỉnh phải là người chủ trì tổ chức phiên họp kỹ thuật, mời đại diện các sở ban ngành, cùng đại diện Sở VHTTDL phân tích và đưa ra định hướng, chiến lược. Sau đó tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành cần hành động gì để cải thiện điểm đến,” ông Thắng chia sẻ.
Mặc dù Hà Giang gặt hái được nhiều thành công trong công tác quảng bá, việc truyền thông nâng cao nhận thức về du lịch xanh và bền vững vẫn cần được đẩy mạnh hơn. Những hoạt động truyền thông không nên dừng lại ở truyền thông nhà nước mà cần sự chung sức đồng lòng từ cả truyền thông cộng đồng.

Theo ông Trần Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang, Hà Giang cần có bộ tiêu chí du lịch xanh để nhận diện và đánh giá. Cơ quan truyền thông bám vào tiêu chí để chia sẻ, truyền thông nâng cao nhận thức và giá trị cho cộng đồng. Ngoài ra, Hà Giang cần chủ động truyền thông, thực hiện truyền thông thường xuyên, và có chiến lược truyền thông với mục tiêu rõ ràng hơn.
Đồng tình với chia sẻ của ông Ngọc, ông Nguyễn Quyết Tâm, Chuyên gia Chuyển đổi số Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VietISO, cho rằng cần có bộ chỉ số để đảm bảo sự đồng bộ. Ngoài ra, ông Tâm gợi ý cần số hóa các chỉ số này để doanh nghiệp, cộng đồng du lịch, và người dân thực hành chuyển đổi xanh cũng như mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức để họ tiêp cận công nghệ số.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý, nhấn mạnh tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân một cách đồng bộ, hiệu quả nhất nhằm đưa sản phẩm du lịch cúa Hà Giang từng bước chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững.

Tại diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng mô hình du lịch xanh và bền vững giữa Công ty TNHH H’Mông Village và thôn Lùng Hẩu; giữa công ty Hà Giang trẻ và thôn Khun; giữa Sở VHTTDL, Hiệp hội du lịch, huyện Quang Bình, huyện Quản Bạ và thành phố Hà Giang.
Trước đó, vào ngày 28-29/10/2024, đoàn đại biểu đã khảo sát mô hình phát triển du lịch tại làng văn hóa du lịch cộng đồng ở thôn Khun, thôn Lùng Hẩu, thôn Tha và thôn Hạ Thành (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang).