TPHCM – Dự án ST4SD phối hợp với Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) tổ chức ba hội thảo về thúc đẩy du lịch bền vững, hướng đến mục tiêu không phát thải trong ngành du lịch bên lề Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) vào ngày 23/10/2024 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn về chứng nhận du lịch bền vững tại Colombia và Việt Nam, nhu cầu đo lượng phát thải khí nhà kính, và các sáng kiến đổi mới sáng tạo về du lịch nông nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam và Thụy Sỹ.
Chứng nhận du lịch bền vững mang lại nhiều lợi ích
Trong hội thảo đầu tiên, các chuyên gia đến từ Colombia đã chia sẻ về những lợi ích của chứng nhận du lịch bền vững và kinh nghiệm phát triển, triển khai, và theo dõi các chứng nhận tại quốc gia Nam Mỹ này. Trong khi đó, chuyên gia của dự án ST4SD và đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam thông tin về việc cập nhật Bộ tiêu chí du lịch xanh của tỉnh.

Theo bà Mary Amalia Vásquez, Trưởng đại diện của SIPPO tại khu vực Mỹ Latinh, Colombia là quốc gia có đa dạng sinh học đứng thứ 2 thế giới và là một trong 12 quốc gia trên thế giới có chính sách về du lịch bền vững. “Tại Colombia, chúng tôi có các tiêu chuẩn cấp quốc gia cho ngành, điểm đến, và tiêu chí về du lịch bền vững. Chúng tôi có các sáng kiến như giới thiệu du lịch thiên nhiên, du lịch khoa học, giáo dục về văn hóa và môi trường. Đây là nội dung quan trọng để chúng tôi xây dựng các thế hệ tiếp có ý thức bảo vệ môi trường, cam kết đa dạng sinh học và du lịch bền vững,” bà Mary nói.
Tại Colombia, SIPPO hỗ trợ xây dựng nhiều công cụ về du lịch bền vững như Học viện Xúc tiến thương mại với bộ công cụ về xúc tiến điểm đến, hướng dẫn du lịch bền vững với các chứng nhận trên toàn thế giới, và các hoạt động đào tạo.
Federico Murrugarra, Quản lý chương trình Competitiva của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Thụy Sỹ (Swisscontact) tại Colombia, cũng chia sẻ về các hoạt động nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành du lịch và đẩy mạnh chuỗi giá trị về du lịch bền vững tại Colombia. Ông Federico cho biết chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đạt mục tiêu giảm phát thải các bon trong thời gian nhất định. “Chúng tôi tạo ra hành trình đến bền vững, thống nhất các tiêu chí với Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu cho doanh nghiệp lữ hành và các điểm lưu trú. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ thành lập tổ chức quản lý điểm đến,” ông Federico nói thêm.

Trình bày tại hội thảo, bà Laura Durana, Giám đốc Hiệp hội Du lịch có Trách nhiệm của Colombia (AcoTour) cho biết mục đích của AcoTour là phát triển du lịch bền vững để tăng lượng khách quốc tế đến Colombia. AcoTour kết hợp với cộng đồng xây dựng tour và tạo sản phẩm du lịch bền vững, trao quyền để họ phát huy giá trị truyền thống kết hợp với bảo vệ môi trường. Hiện có khoảng 80% doanh nghiệp xây dựng hoạt động giao lưu, bảo tồn thiên nhiên, và xây dựng hệ sinh thái cho phát triển du lịch bền vững. Gần 50% thành viên của AcoTour đã nhận được chứng chỉ TourCert.
Tại Việt Nam, tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh được phát triển dựa trên 25 tiêu chí quốc tế và được điều chỉnh để phù hợp với địa phương. Tính đến tháng 08/2024, 25 điểm tham quan và doanh nghiệp du lịch tại tỉnh đã nhận chứng nhận. Phát biểu tại sự kiện, ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam – cho biết tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng xây dựng sản phẩm và hoạt động du lịch theo các tiêu chí này để đảm bảo tính bền vững. “Bộ tiêu chí là sự cam kết của chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong thực hành xanh, thực hiện theo tiêu chí như một định hướng để xây dựng sản phẩm và hoạt động du lịch bền vững hơn,” ông nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên gia tư vấn của dự án ST4SD, hiện đang tham vấn với cơ quan chính quyền và cộng đồng du lịch để cập nhật Bộ tiêu chí Du lịch Xanh của tỉnh Quảng Nam, trong đó xây dựng tiêu chuẩn cho nhà hàng và điểm mua sắm. Theo bà Trang, hiện có một số thách thức để triển khai Bộ tiêu chí này hiệu quả: thiếu chính sách và cơ chế hỗ trợ nên sự tham gia của doanh nghiệp địa phương còn hạn chế; các bên thiếu nhận thức và hiểu biết liên quan đến quản lý du lịch và vận hành du lịch bền vững; và thiếu hoạt động quảng bá, chia sẻ thông tin về lợi ích. “Chương trình chứng nhận này mang lại nhiều lợi ích và khuyến khích doanh nghiệp và điểm đến tham gia. Đó là lợi ích về chia sẻ thông tin, lợi ích về truyền thông để tăng độ nhận diện và tăng thị phần khách hàng nhắm tới trong bối cảnh ngày càng nhiều du khách quan tâm đến điểm đến bền vững và các sản phẩm thân thiện với môi trường,” bà Trang nói. “Những bộ tiêu chí là công cụ và hướng dẫn hữu ích để doanh nghiệp đánh giá và triển khai”.

Đo lường để đánh giá hiệu quả thực hiện giảm thải các bon trong ngành du lịch
Theo báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), ngành du lịch đang tạo ra 8,1% lượng khí thải toàn cầu và là một trong những ngành có phát thải các bon lớn trên thế giới. Nhu cầu đo lường phát thải ngày càng tăng cao, đòi hỏi các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch cần chuẩn bị.
Theo bà Nguyễn Truyền, chuyên gia về kiểm toán năng lượng, chuỗi giá trị trong ngành du lịch phức tạp vì liên quan đến nhiều tổ chức khác nhau như công ty lữ hành, công ty vận tải, khách sạn/ resort/ khu nghỉ dưỡng/ ở tại nhà dân, và nhà hàng/ quán ăn. Vì vậy, đo lượng phát thải khí nhà kính đặt ra thách thức vì chuỗi giá trị đa dạng, phức tạp, chồng chéo, và khó phân biệt được ranh giới. Bà Truyền cho biết thông qua kiểm kê đo lường sẽ phản ánh được các tác động môi trường, tìm ra các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính, và sẽ đánh giá được hiệu quả thực hiện như đo lượng CO2/khách/ km, lượng CO2/ khách/ tour hoặc lượng CO2/phòng/ đêm tại khách sạn. Bà đề xuất cần có tài liệu hướng dẫn cho các bên liên quan, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp các giải pháp giảm phát thải khả thi, dễ thực hiện với chi phí tiết kiệm.
Giảm phát thải các bon cũng liên quan đến ngành xây dựng. Ông Laurent Corpataux, chuyên gia của SIPPO, nói khi thiết kế và xây dựng tòa nhà chỉ nhắc đến các bon trong quá trình vận hành nhưng cần xem xét cả lượng các bon hàm chứa trong vật liệu xây dựng. Các vật liệu có cấu trúc như tường và trần nhà có hàm chứa các bon, chiếm 11% và mất 15 năm để bù trừ lượng các bon cho các tòa nhà xây dựng. Nhiều khách hàng có nhận thức tốt hơn về vật liệu xây dựng bền vững như gỗ và tre; tuy nhiên, nếu sử dụng các vật liệu này trong công trình, gỗ và tre cần đến từ rừng quản lý bền vững thì mới xác định tòa nhà là bền vững. Theo ông Laurent, các nhà hàng và khách sạn sử dụng gỗ kỹ thuật vừa tiết kiệm chi phí vừa quản lý chất lượng tốt và quá trình thi công nhanh do không cần trang trí.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Văn Phong – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Truyền thông và Du lịch C2T – giới thiệu về mô hình “hộ chiếu xanh” tại Bến Tre khi du khách có công cụ để đo dấu chân các bon từ ăn uống, tham quan, đến lưu trú. Du khách trực tiếp điền thông tin và biết hoạt động nào phát thải nhiều hơn. Bên cạnh đó, công ty áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm 80% rác thải nhựa khi biến trái dừa thành ly nước uống hay gom rác thải từ dừa và ủ phân hữu cơ.
Gia tăng giá trị địa phương thông qua du lịch nông nghiệp
Phiên thảo luận thứ ba tập trung chia sẻ về các mô hình du lịch nông nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam và Thụy Sỹ. Bà Lê Phạm Thiên Hằng, người sáng lập An Farm Hội An (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), xây dựng một trang trại hữu cơ nhỏ trồng đa dạng các loại thảo mộc Á – Âu sau khi nhận thấy có nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu, chất bảo quản độc hại tồn dư trong thực phẩm, rau quả, nước uống, thực phẩm mọi người sử dụng hàng ngày. Hiện tại, An Farm Hội An tổ chức các chương trình du lịch nông nghiệp lồng ghép hướng dẫn du khách chế biến thảo mạc thành các loại trà giúp ngủ ngon, thư giãn tinh thần cũng như workshop giáo dục cho trẻ em và người lớn về giá trị thảo mộc và cách làm vườn hữu cơ.
An Farm Hội An dùng năng lượng mặt trời để sấy thảo dược và khi chế biến không dùng hóa chất, kể cả chất bảo quản. Mỗi năm, vườn đón 3.000 – 5.000 trẻ em đến trải nghiệm đời sống nông trại và học pha chế để gần với tự nhiên hơn. Chúng tôi cũng mở miễn phí 1-2 workshop về dinh dưỡng hữu cơ nhằm khuyến khích mọi người quay về với tự nhiên.
“Làm nông nghiệp phụ thuộc vào môi trường và thời tiết. Chúng ta cần hiểu đất, hiểu cây, kiên trì để hiểu môi trường và khí hậu thay đổi như thế nào, và chấp nhận thiệt hại khi làm nông nghiệp,” bà Hằng nói. Đề cập đến những thách thức trong phát triển du lịch nông nghiệp, bà Hằng nhấn mạnh đến nguồn vốn cao, thiếu nhân lực chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ và thảo dược, và nhận thức của cộng đồng chưa cao.

Là khách sạn đầu tiên không rác thải nhựa tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hội An River Resort định hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và đã nhận chứng nhận bền vững dành cho cơ sở lưu trú từ Tổ chức quốc tế về du lịch bền vững Travelife. Theo bà Hà Thị Diệu Viên – Phó Tổng quản lý khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hội An River Resort, phát triển bền vững mang đến bốn giá trị chính: giá trị về kinh tế, giá trị về bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực. Phát triển bền vững góp phần tạo thu nhập công bằng và xứng đáng cho người lao động. Việc thực hành bảo vệ môi trường giúp giảm lượng rác thải, sử dụng năng lượng hiệu quả, thúc đẩy bảo tồn văn hoá và lan tỏa giá trị địa phương đến khách du lịch. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng đưa phát triển bền vững vào chương trình đào tạo, giúp nhân viên thực hành xanh.
Tham gia hội thảo, bà Susanne Reber, Trưởng nhóm ngành du lịch bền vững của SIPPO Bern, giới thiệu về mô hình phát triển du lịch độc đáo kết hợp giữa lưu trú, ẩm thực, và doanh nghiệp nông nghiệp tại Valposchiavo, một thung lũng nằm ở phía nam Thụy Sỹ. Sáng kiến tập trung vào sự hợp tác giữa ngành du lịch và thương mại, tăng cường hơn nữa chuỗi giá trị của địa phương, duy trì và thêm cơ hội việc làm, tăng đa dạng sinh học khi tận dụng nguyên vật liệu tại địa phương và giảm vận chuyển thương mại.
Họ đã tạo ra nhãn hiệu “100% Valposchiavo” với hơn 60 doanh nghiệp địa phương sản xuất hơn 150 sản phẩm chỉ sử dụng nguyên vật liệu địa phương. Hiện nay, 95% diện tích đất nông nghiệp sản xuất các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận bởi Bio Suisse, tổ chức cấp chứng nhận nông nghiệp hữu cơ tại Thụy Sỹ. Cộng đồng làm du lịch tại địa phương mang đến trải nghiệm độc đáo như tham quan nông trại trồng nho và xem sản xuất rượu vang, tham gia lớp học làm mỳ Ý.
“Đây là thung lũng nhỏ nên phải tạo sự khác biệt thông qua chất lượng, không thể tập trung vào số lượng. Ngoài ra, các bên liên quan không có chung một mức độ nhận thức như nhau nên cần có sự hợp tác để triển khai sáng kiến. Hơn nữa, tiêu chuẩn và chứng nhận cần được tinh gọn để phù hợp với bối cảnh của địa phương,” bà Susanne cho biết.
Ba phiên hội thảo với sự tham gia trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ Thụy Sỹ, Colombia và Việt Nam đã cung cấp những thông tin giá trị về tác động của du lịch đối với môi trường và quá trình chuyển đổi của ngành du lịch nhằm giảm thiểu phát thải các bon.