Du lịch bền vững là gì?
Khái niệm “du lịch bền vững” xuất phát từ báo cáo “Our Common Future” (1987) của Ủy ban Brundtland, định nghĩa phát triển bền vững là “đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không tổn hại khả năng của thế hệ tương lai.” Từ đó, du lịch bền vững được hình thành, áp dụng nguyên tắc này vào ngành du lịch. Đến năm 2005, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chính thức định nghĩa về Du lịch bền vững trong báo cáo “Making Tourism More Sustainable”: “Du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa, cộng đồng địa phương và mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.”
Khái niệm này dựa trên ba trụ cột chính:
- Kinh tế: Tạo ra việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương, đảm bảo ngành du lịch có thể tự duy trì mà không khai thác quá mức tài nguyên.
- Xã hội: Tôn trọng và bảo tồn văn hóa, truyền thống địa phương, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân bản địa.
- Môi trường: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ hệ sinh thái và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm
Khái niệm này sau đó được mở rộng để giải quyết các thách thức mới như biến đổi khí hậu và quyền lợi cộng đồng.

Du lịch bền vững: từ khái niệm ban đầu đến hiện tại
Ban đầu, khái niệm du lịch bền vững chỉ tập trung vào việc phản ứng với những vấn đề như du lịch đại trà gây suy thoái môi trường (ví dụ: phá rừng, ô nhiễm biển) và xói mòn văn hóa (như thương mại hóa quá mức các di sản). Nó nhấn mạnh sự cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn của du khách và sự tồn tại lâu dài của điểm đến. Theo thời gian, khái niệm “Du lịch bền vững” cũng được tiến hoá để đáp ứng những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu, từ nhận thức môi trường đến các thách thức kinh tế, xã hội và khí hậu.
Giai đoạn khởi nguồn (1980s – 1990s): Du lịch bền vững ra đời để đối phó với các vấn đề như suy thoái môi trường (phá rừng, ô nhiễm biển) và xói mòn văn hóa do du lịch đại trà. Ban đầu, nó mang tính lý thuyết, thiếu tiêu chuẩn cụ thể, chủ yếu được các tổ chức quốc tế thúc đẩy hơn là áp dụng thực tiễn rộng rãi.
Giai đoạn định hình (2000s): Là giai đoạn bước ngoặt, biến khái niệm từ lý thuyết thành hướng dẫn chính sách.
Giai đoạn này chứng kiến sự tiêu chuẩn hóa khi du lịch toàn cầu bùng nổ, kéo theo vấn đề “overtourism” (quá tải du lịch) như ở Machu Picchu hay rác thải trên Everest. Năm 2005, UNWTO và UNEP công bố báo cáo “Making Tourism More Sustainable”, chính thức định nghĩa du lịch bền vững với ba trụ cột (kinh tế, xã hội, môi trường), đồng thời các tiêu chí của Global Sustainable Tourism Council (GSTC) ra đời (2007-2008), cung cấp chuẩn mực cho các doanh nghiệp và chính phủ (ví dụ: quản lý nước thải, bảo tồn di sản văn hóa). Đây là bước ngoặt, biến khái niệm từ lý thuyết thành hướng dẫn chính sách, ngành công nghiệp du lịch bắt đầu chú ý hơn đến quyền lợi cộng đồng địa phương, không chỉ là bảo vệ môi trường, chẳng hạn như các chương trình ở Costa Rica kết hợp du lịch sinh thái với giáo dục và lợi ích kinh tế cho người dân bản địa. Tuy nhiên ở giai đoạn này việc áp dụng Du lịch bền vững vẫn mang tính chất tự nguyện, chưa trở thành một xu hướng.
Giai đoạn mở rộng (2010s):
Du lịch bền vững chuyển từ “giảm thiểu hại” sang “tạo lợi ích tích cực”. Năm 2017, Liên Hợp Quốc tuyên bố Năm Quốc tế về Du lịch Bền vững vì Phát triển, gắn du lịch với 17 mục tiêu SDGs. Thoả thuận Paris 2015 và các chương trình chứng nhận (như EarthCheck, Green Key) trở nên phổ biến, thúc đẩy du lịch bền vững gắn với giảm phát thải carbon. Các điểm đến nổi tiếng trên thế giới như Maldives bắt đầu quảng bá về “du lịch carbon thấp”
Giai đoạn hiện tại (2020 – 2025): Tái định hướng và tái sinh
Đại dịch COVID-19 (2020-2022) làm ngành du lịch tê liệt, cùng với khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng xã hội, thúc đẩy tái cấu trúc. “Tái sinh” (Regenerative Tourism) nổi lên từ 2023, nhấn mạnh du lịch không chỉ bền vững mà phải tái tạo, như trồng rừng ở Amazônia hay khôi phục văn hóa Maori ở New Zealand. Công nghệ như Big Data, AI dự đoán tác động du lịch, blockchain minh bạch hóa chuỗi cung ứng. Tiêu chí GSTC (cập nhật 2024) sắp xếp du lịch bền vững thành bốn trụ cột: quản lý bền vững, tác động kinh tế-xã hội, văn hóa, môi trường, trở thành hướng dẫn thực tiễn toàn cầu.
Mặc dù là khái niệm mới so với lịch sử ngành du lịch, tuy nhiên Khái niệm du lịch bền vững đã đi từ một ý tưởng cơ bản về bảo vệ tài nguyên (1980s) đến một chiến lược toàn diện, tích hợp khí hậu, công nghệ, và công bằng xã hội (2025). Nếu ban đầu nó chỉ là phản ứng với tác động tiêu cực, thì nay nó hướng tới việc biến du lịch thành công cụ cải thiện thế giới.
Du lịch Xanh – Du lịch Sinh thái và Du lịch bền vững
Mối quan hệ giữa ba khái niệm
- Du lịch xanh có thể xem là một phần của du lịch bền vững, nhưng nó chỉ tập trung vào môi trường mà không nhất thiết giải quyết các vấn đề kinh tế hay văn hóa.
- Du lịch sinh thái cũng nằm trong du lịch bền vững, nhưng giới hạn ở các hoạt động liên quan đến thiên nhiên và bảo tồn, không bao quát các khía cạnh đô thị hay văn hóa rộng hơn.
- Du lịch bền vững là cái ô lớn, bao gồm cả du lịch xanh và sinh thái, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như công bằng xã hội, phát triển kinh tế dài hạn, và thậm chí là tái sinh (regeneration).
So sánh trực tiếp
Tiêu chí | Du lịch xanh | Du lịch sinh thái | Du lịch bền vững |
Trọng tâm chính | Môi trường | Thiên nhiên và bảo tồn | Môi trường, kinh tế, xã hội |
Phạm vi | Hẹp (chỉ môi trường) | Trung bình (tự nhiên) | Rộng (toàn diện) |
Điểm đến | Bất kỳ đâu | Chủ yếu khu vực tự nhiên | Bất kỳ đâu (tự nhiên + đô thị) |
Mục tiêu | Giảm tác động môi trường | Bảo tồn sinh thái, giáo dục | Phát triển lâu dài, cân bằng |
Ví dụ | Khách sạn không nhựa | Tour rừng nhiệt đới | Dự án du lịch cộng đồng |
Dự án “Du lịch Thụy Sĩ vì Sự Phát triển Bền vững tại Việt Nam” (ST4SD, 2024-2027), do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO), phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (VNAT) và các tỉnh Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp. ST4SD tập trung vào chính sách, đào tạo nhân lực và nâng cao tính bền vững cho điểm đến/doanh nghiệp, phù hợp với chiến lược du lịch Việt Nam đến 2030. Phát triển các homestay xanh ở Đồng Tháp, Hà Giang, bảo tồn thiên nhiên bằng năng lượng tái tạo, xây dựng điểm đến xanh tại Quảng Nam. Đây là bước tiến quan trọng, không chỉ giảm tác động tiêu cực mà còn tái sinh tài nguyên và cộng đồng, phản ánh xu hướng toàn cầu hiện nay.